Trang chủBài thuốc Đông YBài thuốc từ Hà thủ ô: Liều dùng và cách sử dụng...

Bài thuốc từ Hà thủ ô: Liều dùng và cách sử dụng ra sao?

- Advertisement -spot_img

Hà thủ ô còn có tên gọi khác là Hà thủ ô đỏ, Thủ ô, Dạ hợp, Địa tinh, Giao đằng… Dược liệu có tính ấm, vị ngọt, vị đắng, se, qui vào 2 kinh thận và can nên thường được dùng trong điều trị hội chứng thiếu máu, mất ngủ, chóng mặt. Ngoài ra dược liệu còn có tác dụng giải độc, bổ máu, nhuận tràng.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản

Bộ phận dùng:

Rễ củ Hà thủ ô. Rễ dược liệu không dài, có hình tròn, không đều. Củ to bổ đôi theo chiều dọc hoặc dùng dao chặt thành từng miếng to. Củ nhỏ để nguyên. Mặt ngoài của củ không bằng phẳng, có những chỗ lồi lõm do những nếp nhăn hình thành và ăn sâu vào trong. Khi cắt ngang, mặt cắt có lớp bần mỏng màu nâu sẫm. Vỏ màu đỏ hồng, mô mềm, có nhiều bột, vị chát, ở giữa có ít lõi gỗ.

Có thể bạn quan tâm:

Rễ dược liệu không dài, có hình tròn, không đều
Rễ dược liệu không dài, có hình tròn, không đều

Thu hái: Từ 2 – 3 năm sau khi trồng thì có thể thu hái dược liệu. Nên thu hoạch dược liệu vào mùa đông khi cây đã héo và tàn lụi

Chế biến:

Sau khi thu hái, rửa sạch dược liệu và cắt bỏ rễ con. Củ to bổ thành miếng, củ nhỏ để nguyên phơi khô dùng làm thuốc.

Ngâm dược liệu đã thái thành miếng cùng với đỗ đen giã nát trong một đêm. Sáng mang dược liệu đồ lên, đem phơi nắng dược liệu trong một đêm. Sau đó lại mang dược liệu ngâm với đỗ đen, tiếp tục đồ và phơi. Thực hiện ngâm, đồ và phơi liên tục 9 lần.

Ngâm dược liệu với nước vo gạo trong 24 giờ. Rửa dược liệu và cho vào nồi. Cứ 10 gram dược liệu cho thêm 100 gram đỗ đen và 2 lít nước. Thực hiện nấu thuốc cho đến khi gần cạn nước thì đảo cho chín đều. Khi củ đã mềm, tắt bếp, lấy củ và loại bỏ lõi. Nếu còn nước đỗ đen thì mang tẩm sau đó phơi cho hết. Đồ và phơi liên tục 9 lần là tốt nhất.

Bảo quản: Để dược liệu ở những nơi khô ráo, thoáng mát.

Thành phần hóa học

Hà thủ ô chứa nhiều thành phần hữu ích sau:

  • 42,2% tinh bột
  • 4,5% chất vô cơ
  • 24,6% chất tan trong nước
  • 1,7% Anthraglycosid
  • Crysophanol, Emodin, Rhein
  • 1,1% Protid
  • Một số nguyên tố vi lượng: Mangan, canxi, kẽm và sắt.

Thành phần hóa học của dược liệu sẽ bị tác động và biến đổi trong quá trình chế biến

  • Dược liệu sống chứa 0,259% dẫn chất anthraquinon tự do, 7,68% tanin, 0,805% anthraquinon toàn phần.
  • Dược liệu sau khi chế biến chứa 0,113% anthraquinon tự do, 3,82% tanin, 0,25% dẫn chất anthraquinon toàn phần. Tồn tại 1,82% chất phospholipid trong dược liệu đã chế biến và 3,49% chất phospholipid trong dược liệu thô.
Thành phần hóa học của vị thuốc Hà thủ ô
Thành phần hóa học của vị thuốc Hà thủ ô

Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Dược liệu Hà thủ ô có công dụng sau:

  • Hạ huyết áp, làm giảm lượng đường trong máu, chống xơ cứng động mạch, tăng cường máu, tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho tim mạch, làm giãn mạch máu, thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, thúc đẩy chức năng tuyến thượng thận, bảo vệ mạch máu não và bảo vệ tim, tăng trưởng tóc, bảo vệ gan, kháng khuẩn và chống lão hóa.
  • Hạ Cholesterol huyết thanh, làm giảm hấp thụ Cholesterol trong thí nghiệm với ruột thỏ, phòng chống và giảm nhẹ xơ cứng động mạch nhờ thành phần Lecithin (theo Tân y học, 5 – 6, 1972).
  • Tác động và làm chậm nhịp tim, bảo vệ cơ tim thiếu máu và làm tăng nhẹ lưu lượng máu trong động mạch vành.
  • Có tác dụng chống lão hóa. Trong thí nghiệm với chuột nhắt già, dược liệu có tác dụng giữ cho tuyến ức của chuột không bị teo và giữ được ở mức lúc chuột còn non.
  • Nhờ dẫn xuất chất oxymethylanthraquinone làm tăng nhu động ruột, dược liệu có tác dụng nhuận tràng (trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược, trang 345 – 346 – Nhà xuất bản Khoa học xuất bản 1965). Dược liệu sống sẽ có tác dụng nhuận tràng cao hơn dược liệu chín.
  • Dược liệu có tác dụng kháng khuẩn và kháng virus. Dược liệu có khả năng ức chế hoạt động của trực khuẩn lỵ Flexner và trực khuẩn lao ở người. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng ức chế sự phát triển của virus cúm (theo Học báo Vi sinh vật 8,164, 1960).

Theo y học cổ truyền

Dược liệu Hà thủ ô có tác dụng giải độc, bổ máu và nhuận tràng.

Chủ trị và phối hợp

  • Hội chứng thiếu máu với những biểu hiện như hoa mắt, da nhợt nhạt, mất ngủ, chống mặt, đau, yếu đầu gối và vùng lưng, sớm bạc tóc: Dùng phối hợp dược liệu với sinh địa hoàng, câu kỷ tử, nữ trinh tử, tang ký sinh, thỏ ti tử.
  • Táo bón do khô ruột: Dùng phối hợp dược liệu với hoạt ma nhân và đương qui.
  • Sốt rét mạng tính do cơ thể suy yếu: Dùng phối hợp dược liệu với nhân sâm và đương qui dưới dạng hà nhân ẩm.
  • Lao hạch: Dùng phối hợp dược liệu với xuyên bối mẫu và hạ khô thảo.

Tính vị

Hơi ấm, vị đắng, ngọt, se.

Qui kinh

Qui vào 2 kinh can và thận.

Liều lượng và cách dùng

Liều lượng

Dùng 10 – 30 gram/ngày đã qua chế biến.

Cách dùng

Có thể dùng tươi hoặc dùng khô sắc lấy nước uống, tán thành bột, làm hoàn hoặc nấu thành cao để sử dụng.

Bài thuốc

Những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Hà thủ ô gồm:

  • Bài thuốc từ Hà thủ ô điều trị huyết hư máu nóng, sớm bạc tóc, tóc khô hay rụng, hồi hợp chóng mặt, hoa mắt, ù tai, lưng gối rũ mỏi, khô khát táo bón: Dùng 20 gram dược liệu đã chế biến, 20 gram sinh địa, 20 gram huyền sâm. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch và cho vào nồi. Rót thêm 1 lít nước lọc vào cùng và thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ. Khi lượng thuốc trong nồi chỉ còn lại 400ml, tắt bếp và chắt lấy nước thuốc. Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày.
  • Bài thuốc từ Hà thủ ô điều trị xơ cứng mạch máu ở người già, huyết áp cao, nam giới khó có con do tinh yếu: Dùng 20 gram dược liệu, 16 gram tầm gửi dâu, 16 gram ngưu tất, 16 gram kỳ tử. Sau khi rửa sạch, mang tất cả vị thuốc cho vào nồi. Thực hiện sắc thuốc cùng với 1 lít nước lọc. Bắt lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 400ml. Tắt bếp và chắt lấy nước thuốc. Chia thuốc thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày.
  • Bài thuốc từ Hà thủ ô giúp bổ khí huyết, mạnh gân cốt: Mang Hà thủ ô trắng và Hà thủ ô đỏ (liều lượng bằng nhau) ngâm cùng với nước vo gạo trong 3 đêm. Sau đó mang sao khô và tán nhỏ. Trộn mật với thuốc để tạo thành viên có kích thước bằng hạt đậu xanh. Uống 50 viên/ngày cùng với rượu vào lúc đói.
  • Bài thuốc từ Hà thủ ô điều trị đái ra máu, đái dắt buốt (bệnh lao lâm): Dùng lá Hà thủ ô và lá huyết dụ với liều lượng bằng nhau, rửa sạch. Cho dược liệu vào nồi và sắc cùng với 600ml nước. Chắt lấy phần nước và hòa thêm mật để uống.
  • Bài thuốc từ Hà thủ ô giúp điều kinh bổ huyết: Dùng 1 rổ lớn cả rễ và lá Hà thủ ô, 0,5kg đậu đen. Rửa sạch, giã nát hai vị thuốc. Cho thuốc vào nồi, rót ngập nước và nấu nhừ. Dùng vải mùng lọc lấy nước cốt, nấu thuốc thành cao. Rót thêm 500ml mật ong, nấu lại thành cao. Rót thuốc vào thố và đậy kín. Khi cần lấy 1 muỗng canh uống cùng với nước ấm. Người bệnh phải kiên trì thực hiện thì mới có công hiệu.
  • Bài thuốc từ Hà thủ ô giúp khử phong, dưỡng khí, giải độc, tỳ và phế có độc, lở loét, thấp chẩn, lang ben, lác, bạch điến, nửa người ngứa: Dùng dược liệu, chích thảo, kinh giới tuệ, phòng phong, mạn kinh tử, uy linh tiên. Rửa sạch, tán bột tất cả vị thuốc, trộn đều. Khi cần lấy 4 gram thuốc bột uống cùng nước nóng hoặc rượu ấm sau mỗi bữa ăn.
  • Bài thuốc từ Hà thủ ô giúp khử phong, thanh lợi thấp nhiệt, giải độc, điều trị phong thấp nhiệt độc, vết thương chảy nước vàng, lở loét, thịt thối loét: Dùng 10 gram dược liệu, 10 gram cam thảo, 10 gram bạch tiên bì, 10 gram khổ sâm, 10 gram kinh giới, 10 gram kim ngân hoa, 10 gram liên kiều, 10 gram phòng phong, 10 gram thương truật, 10 gram mộc thông, 10 gram đăng tâm. Cho tất cả vị thuốc vào nồi và sắc cùng với 2 lít nước lọc cho đến khi lượng nước thuốc còn lại một nửa. Chia thuốc thành nhiều lần uống trong ngày. Hoặc tán vị thuốc thành bột, chế thành viên. Uống 10 gram/lần cùng với rượu nhạt.
  • Bài thuốc từ Hà thủ ô giúp bổ can thận, tráng gân cốt, ích tinh huyết, làm đen tóc, điều trị can thận bất túc, hoa mắt, ù tai, đầu váng, hay quên, chân mỏi, gối mỏi, tay chân mất cảm giác, huyết áp cao, tiểu đêm, động mạch xơ cứng, động mạch vành xơ cứng: Dùng 2,25 kg dược liệu, 250 gram đỗ trọng, 500 gram hạn liên cao, 500 gram hắc chi ma cao, 500 gram hy thêm thảo, 500 gram kim anh tử, 250 gram ngưu tất, 150 gram nhẫn đông đằng, 250 gram nữ trinh tử, 250 gram tang diệp, 120 gram sinh địa, 500 gram thỏ ty tử, 500 gram tang diệp. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch, phơi khô, tán thành bột. Trộn bột thuốc với mật để làm hoàn, mỗi hoàn 10 gram. Uống 1 hoàn/lần x 2 lần/ngày.
Những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Hà thủ ô
Những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Hà thủ ô

Có thể bạn quan tâm:

Kiêng kỵ

  • Khi sử dụng dược liệu Hà thủ ô thì không ăn hành, tỏi, cải củ
  • Việc sử dụng dược liệu quá liều (liều khuyến cáo 30 gram/ngày) có thể gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, một số trường hợp khác có thể kèm theo sốt
  • Người bị tiêu chảy không được dùng dược liệu
  • Những người có đường huyết thấp và huyết áp thấp cần kiêng sử dụng dược liệu
  • Dược liệu không được khuyến cáo sử dụng cho những bệnh nhân cổ họng có đờm nặng
  • Những trường hợp bị viêm dạ dày, lưỡi nhờn, mất cảm giác ngon miệng khi dùng dược liệu với liều 12 gram sẽ làm tăng chứng đau dạ dày, chán ăn, ăn không ngon miệng.

Lưu ý

Tránh nhầm lẫn Hà thủ ô trắng (tên khoa học: Streptocaulon juventas Merr) và Hà thủ ô đỏ. Hà thủ ô trắng còn được gọi là dây vú bò. Về công dụng và tính chất của Hà thủ ô trắng, chúng khác hoàn toàn so với hà thủ ô đỏ.

Bài viết trên đây là thông tin cơ bản về thành phần hóa học, tính vị, qui kinh, tác dụng dược lý và những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Hà thủ ô. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Để đảm bảo an toàn và tính hiệu quả, người bệnh nên tham khảo ý kiến và sử dụng bài thuốc từ dược liệu theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền.

Tổng hợp: https://dongy247.net

- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img
Xem nhiều nhất
- Advertisement -spot_img